Ấn tượng đầu tiên của Tôi khi đặt bước chân đầu tiên ở Lý Sơn là nụ cười của những người dân thân thiện, cái bắt tay xiết chặt thể hiện sự hiếu khách trên những đường gân tay.
Trước khi đến, tôi cũng có tìm hiểu một số thông tin từ internet, nhưng khi đến nơi, Tôi thật sự háo hức, Hành trình khám phá chính thức bắt đầu.
Huyện Lý Sơn, còn gọi là Cù Lao Ré, là huyện đảo được tách ra từ huyện Bình Sơn của tỉnh Quảng Ngãi theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam năm 1992 và trở thành huyện đảo tiền tiêu từ khi đó.
Diện tích của huyện là khoảng 9,97 km² nhưng dân số lại lên đến con số hơn 20.460 người. Gồm 3 đảo: đảo Lớn (Lý Sơn, cù lao Ré), đảo Bé (cù lao Bờ Bãi) ở phía Bắc đảo Lớn, và hòn Mù Cu ở phía Đông của đảo Lớn. Huyện được chia làm 3 xã: An Vĩnh (huyện lỵ – Đảo lớn), An Hải(Đảo lớn) và An Bình (đảo Bé).
Hòn đảo là vết tích còn lại của một núi lửa với 5 miệng, được hình thành cách đây 25-30 triệu năm. Các mạch nước ngầm nóng, dưới chân núi lửa, cung cấp nhiệt năng để sản xuất điện phục vụ sinh hoạt cho Lý Sơn.
Lý Sơn có hai mùa rõ rệt là mùa mưa (tháng 9 – 2 năm sau) và khô (tháng 3 – 8). Số giờ nắng trung bình một năm khoảng 2.430,3 nên thích hợp cho các hoạt động du lịch, nghỉ dưỡng.
Có thể đến Lý Sơn từ tháng 3 đến tháng 9, Thời điểm ghé thăm phù hợp nhất là khoảng từ tháng 6 đến 9. Tháng 9-12 là mùa trồng tỏi, thích hợp với những ai muốn tìm hiểu về nghề này.
Máy bay: Từ Hà Nội và Sài Gòn đều có các chuyến bay đến sân bay Chu Lai, Quảng Nam. Mức giá khứ hồi trung bình khoảng 3,5 triệu đồng. Từ đây, bạn có thể thuê taxi di chuyển đến cảng Sa Kỳ, cách khoảng 50 km.
Ô tô: Hiện nay, nhiều nhà xe đã cung cấp tuyến di chuyển tới Quảng Ngãi với nhiều mức giá khác nhau. Bạn có thể liên hệ tại các bến xe gần nhất. Lưu ý, nên đặt mua trước 5 ngày để tránh tình trạng hết vé.
Tàu hỏa: Tùy thời gian và lịch trình, bạn nên chọn giờ tàu chạy phù hợp.
Từ thành phố Quảng Ngãi, bạn có hai lựa chọn để tới cảng Sa Kỳ, taxi và xe buýt. Giá một vé xe buýt hiện nay là 14.000 đồng/ km. Bạn nên có mặt từ 5h sáng tại các điểm dừng để đón chuyến đầu tiên.
Tàu cao tốc rời bến trong khoảng 7h30 – 8h sáng hàng ngày. Bạn có thể đến trực tiếp cảng hoặc địa chỉ: 379 Nguyễn Nghiêm (bán từ 13h30 – 15h30) để mua vé với giá 105.000 đồng. Lúc này, bạn cần khai báo các thông tin như họ tên, năm sinh, CMT, quê quán.
Lưu ý: Trường hợp không thể tới kịp giờ tàu chạy, bạn nên thông báo với ban quản lý trước ít nhất 2h. Lúc này, bạn sẽ được hoàn lại 80% tiền vé hoặc đi chuyến sau với mức phụ thu là 20%.
Ngoài tàu cao tốc, mỗi ngày có 1 chuyến tàu vận tải (tàu gỗ) vận chuyển hàng hóa và cả hành khách ra đảo Lý Sơn, thời gian tàu gỗ chạy sẽ lâu hơn (8h-11h) so với tàu cao tốc (8h-9h) nên các bạn cứ cân nhắc lựa chọn. Tàu từ Đảo Lớn sang Đảo Bé khởi hành từ 8h sáng và quay lại Đảo Lớn vào lúc 14h30 hàng ngày, các bạn cũng có thể liên hệ với tàu cá của người dân để sang Đảo Bé.
Món gỏi rong biển có vị thanh mát, dịu nhẹ hấp dẫn.
Gỏi rong biển có nguyên liệu chính là những cọng rong biển tươi. Sau khi rửa sạch, người làm sẽ thái nhỏ, trộn cùng rau húng quế, nước mắm tỏi ớt, dầu ăn và gia vị. Món ăn kèm là chiếc bánh đa mới nướng, còn nóng giòn.
Gỏi tỏi có cách làm khá đơn giản. Cây tỏi đực, không tạo được củ, chẻ vừa ăn, rửa sạch, đem hấp chín tới sau đó bỏ lạc giã nhỏ và các gia vị cần thiết vào rồi trộn đều là được. Món này ăn cùng nước sốt, bánh tráng. Cái sần sật từ tỏi, giòn giòn bởi bánh tráng và ngọt béo của nước sốt khiến nhiều người thích thú.
Cua huỳnh đế có màu đỏ hồng như chiến bào, hình dáng giống loài rùa. Cách làm phổ biến nhất là hấp. Khi ấy, món này có thịt chắc, thơm ngọt. Đặc biệt những con có gạch, vị sẽ đậm đà hơn hẳn các loại cua, ghẹ khác.
Cá tà ma có thể chế biến thành nhiều món ngon khác nhau nhưng được ưa chuộng nhất là canh chua. Thành phần ngoài cá còn gồm lá giang, nguyên liệu giúp mùi hương lan tỏa hơn. Bạn có thể ăn cùng bún tươi hoặc cơm. Phần thịt cá tươi, chắc và dai ngọt khá lạ sẽ là trải nghiệm thú vị cho bạn.
Ngoài những món kể trên, bạn còn có thể thưởng thức dưa hấu hắc mỹ nhân, ốc tượng, bánh ít lá gai, chả cá… Những món này đều có hương vị đặc trưng, hấp dẫn, khó chối từ.
Trên đảo có ba di tích quốc gia: đình làng An Hải (di tích liên quan đến hải đội Hoàng Sa bên trên), Âm linh tự (nơi thờ cúng oan hồn, cô hồn và phối thờ tử sĩ Hoàng Sa – Trường Sa), Chùa Hang. Các di chỉ văn hóa Sa Huỳnh cũng đã được tìm thấy trên đảo, như suối Chình, xóm Ốc và đặc biệt là các dấu vết của văn hóa Chăm Pa. Và 24 chùa, am.
Âm Linh Tự cách cảng Lý Sơn chừng 500 m về phía tây. Đây là nơi thờ tự những người lính Hoàng Sa đã hy sinh năm xưa. Không chỉ vậy, nhiều tài liệu quý liên quan đến đội lính biển cũng được lưu giữ một cách trang trọng.
Chùa Hang nằm trong hệ thống hang động lớn nhất trên đảo Lý Sơn, được tạo ra từ dãy núi Thới Lới, cách cảng Sa Kỳ chừng 25 km. Phần sân trước của chùa nhìn ra biển, giữa sân có một hồ sen cùng tượng Phật Bà. Quanh đó là những cây bàng biển có tuổi đời lên tới hàng trăm năm.
Ngay cạnh chùa là một bãi cát lớn, nơi bạn có thể dừng chân ngắm biển xanh và tận hưởng làn gió mát lành thổi tới.
Chùa Đục nằm ở lưng chừng ngọn núi lửa Giếng Tiền đã tắt. Do vậy, bạn phải vượt qua khoảng 100 bậc thang mới tới nơi. Sau khi vãn cảnh chùa, bạn hãy leo tiếp lên đỉnh để chiêm ngưỡng miệng núi lửa giờ thành một đồng cỏ xanh hình lòng chảo. Từ đây bạn có thể phóng tầm mắt để quan sát biển xanh bao la cũng như tượng Quán Thế Âm cao 27 m đầy vẻ hiền từ.
Cổng Tò Vò nằm cách chùa Đục không xa. Đây là một vòm đá nham thạch khá đẹp. Khi hoàng hôn xuống, khung cảnh nơi này trở nên ấn tượng và kỳ vĩ. Nhờ đó nhiều du khách đã không ngại ngần quay trở lại nhiều hơn hai lần để chụp được những bức hình ưng ý nhất.
Đảo Bé còn có tên An Bình. Cho đến nay, nơi này còn giữ được vẻ đẹp hoang sơ nhất. Để tới được đây, bạn có thể đi tàu gỗ từ đảo chính Lý Sơn, xuất phát vào khoảng 8h sáng hàng ngày.
Ngoài ra, hang Câu, đỉnh Thới Lới, hòn Mù Cu, đài tưởng niệm biệt đội Hoàng Sa cũng là những nơi bạn nên ghé qua. Thời gian di chuyển giữa các địa điểm không quá lâu, bạn có thể đi ngay trong ngày.
Du khách có thể mua tỏi, hành, các loại hải sản tươi sống hoặc đã làm khô như mực, cá… Ngoài ra, một số loại như bánh ít, dưa hấu cũng là thức quà mang dấu ấn của mảnh đất này.
Nhà nghỉ ở Lý Sơn có khá nhiều, đa phần tập trung ven biển. Mức giá một phòng từ 200.000 đồng. Bạn cũng có thể lựa chọn homestay để tìm hiểu cuộc sống của người dân với giá từ 150.000 đồng/đêm.
Có thể tham khảo danh sách khách sạn dưới đây: Hôm chúng tôi đi Lý Sơn thì may mắn có anh Sanh hỗ trợ, nhà anh Sanh cũng có cung cấp dịch vụ homestay, giá thì 120.000đ/ phòng ở thời điểm đó (quá rẻ, chắc là có quen :p) Bạn có thể liên hệ để ở homestay đảo Lý Sơn của anh Sanh qua số điện thoại 01665.322.489 (Mr. Sanh). Cứ bảo là bên Thiện, Du Lịch Đại Bàng giới thiệu nhé :p. Hoặc cũng có thể liên hệ các thông tin dưới:
Hi vọng những thông tin trên sẽ hữu ích với bạn, Nếu cần thêm thông tin, liên hệ với mình nhé… Email: [email protected] – Yahoo/ Skype: khamphadisan. hoặc tham khảo thêm: Hành trình khám phá Đảo Lý Sơn 2 ngày đêm. chúc bạn có một chuyến khám phá Lý Sơn thành công và đừng quên chia sẻ những kỉ niệm của mình trên fanpage Khám Phá Di Sản nhé !